HomeBài thuốc Đông YBài thuốc và vị thuốc

Các bài thuốc từ Cây Gạo – BS Nguyễn Đức Kiệt

Các bài thuốc từ Cây Gạo

Hoa gạo

Hoa gạo

Theo Đông y, Hoa gạo có vị ngọt, hơi đắng chát, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông huyết, chỉ huyết, thu liễm, sát khuẩn, tiêu viêm, làm se, nên được sử dụng làm thuốc tiêu viêm, trị mụn nhọt. Vỏ cây gạo có vị cay, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, hoạt huyết, tiêu thũng, thường được dùng để chữa Viêm loét dạ dày, Tiêu chảy, Kiết lỵ, Đau sưng khớp cổ chân và khớp gối, Viêm loét ngoài da, viêm tinh hoàn, chấn thương đụng giập… Rễ cây gạo có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, làm se, thường được dùng để chữa Viêm loét dạ dày, Kiết lỵ ra máu, Lao hạch, Sưng vú sau khi sinh con, Chấn thương đụng giập…Hạt Gạo dùng ép lấy dầu. Khô dầu (sau khi ép lấy dầu) được dùng cho súc vật ăn để ra sữa. Chất gôm từ cây Gạo được dùng chữa Lậu, Thông tiểu, Giải nhiệt… Đông dược Phú Hà xin giới thiệu các bài thuốc quý dưới đây.

Cây gạo còn có tên khác là Mộc miên, Hồng miên, Gòn, Cổ bối, Ban chi hoa, Anh hùng thụ, Roca (Campuchia),Ngiou (Lào), Kapokier du Tonkin, Kapokier du Malabar, tên khoa học là Gossapinus Malabarica (DC) Merr., (Bombax malabaricum DC, Bombax Heptaphyla cav.) thuộc họ Malyaceae s.l. Trong hệ thống phân loại cũ, người ta đưa nó vào họ Gạo (Bombacaceae).

Hoa gạo

Hoa gạo

Gạo là loài cây ở vùng nhiệt đới với thân cây cao và thẳng, lá rụng vào mùa đông, các hoa đỏ 5 cánh. Hoa ra vào mùa xuân. Quả nhỏ chứa các sợi tương tự như sợi bôbg. Thân cây có nhiều gai to nhỏ khác nhau. Gỗ Gạo quá mềm không thể đóng đồ gia dụng. Các sợi bông của nó cũng được dùng thay thế cho sợi bông của cây bông. Loài cây này có lẽ có nguồn gốc Ấn Độ nhưng sau đó được trồng rộng rãi ở Việt Nam, ngoài ra còn thấy mọc ở Malaysia, Indonesia, Hồng Koong, Đài Loan và miền nam Trung Quốc. Theo ghi chép trong lịch sử Trung Quốc thì vua Nam là Triệu Đà đã tặng một cây Gạo cho vua của nhà Hán vào thế kỷ thứ hai TCN. Trong dân gian Việt Nam có câu thành ngữ: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” nói lên niềm tin vào tâm linh gắn bó với ba loại cây này trong tâm thức văn hóa của người Việt.

Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều bộ phận của cây Gạo được dùng làm thuốc, thông dụng nhất là Vỏ cây, Hoa và Rễ cây gạo. Người ta hái những bông hoa gạo lành lặn đem phơi trong dâm (âm can) hoặc sấy khô bằng lửa nhỏ cất vào lọ sành, đậy kín để dùng dần. Vỏ Gạo thường dùng tươi, bỏ lớp vỏ thô và gai, lấy lớp vỏ thịt bên trong, rửa sạch, dùng tươi hoặc thái nhỏ, phơi hay sấy khô, dùng dần. Rễ Gạo đào lên, rửa sạch, bỏ lớp vỏ ngoài cùng, bỏ lõi gỗ bên trong, dùng tươi hay phơi sấy khô tùy theo mục đích sử dụng. Trong Tây y, kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, nước sắc hoa gạo có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ khá mạnh.

Dưới đây là một số bài thuốc có vị thuốc từ cây Gạo:

1.  Chữa Viêm khí – phế quản

 

–  Rễ cây Gạo (khô)                         20g
–  Bách bộ                                        10g
–  Mạch môn                                    16g
–  Cát cánh                                       12g
–  Trần bì                                           8g
–  Cam thảo                                       8g

Tất cả làm 1 thang, cho thêm 5 lát gừng tươi, sắc với 4 bát nước, đun còn 2 bát, chia uống 2 lần trong ngày. Uống liền 5 – 7 ngày tùy theo bệnh nặng, nhẹ.

2. Chữa ho khạc nhiều đờm do phế nhiệt

Ho đờm vàng, dính, khó khạc, có thể dính máu, miệng khô, thích uống nước, đau họng, đầu lưỡi đỏ, mạch phù sác, phân táo, nước tiểu vàng…

Bài thuốc gồm:

–  Hoa Gạo                                        30g,
–  Rau Diếp cá                                  15g,
–  Tang bạch bì                                 12g,
–  Mạch môn                                     12g
–  Cát căn (sắn giây)                         16g
–  Cam thảo                                         8g

Tất cả làm thành 1 thang, sắc với 4 bát nước, đun còn 1,5 bát, chia uống nhiều lần trong ngày. Thường uống khoảng 3 – 5 ngày thì khỏi.

3. Chữa ho ra máu (khái huyết)

–  Hoa Gạo                                        30g
–  Sâm bố chính                                16g
–  Huyền sâm                                    10g
–  Mạch môn                                      12g
–  Hạn liên thảo (cỏ Nhọ nồi)             10g
–  Ngẫu tiết (ngó Sen)                       12g
–  Cam thảo                                         8g

Tất cả làm thành 1 thang, thêm 3 lát gừng tươi, sắc với 4 bát nước, đun còn 1,5 bát, chắt ra, có thể cho thêm một ít Mật ong hoặc Đường phèn vào, chia uống nhiều lần trong ngày. Ngày uống 1 thang. Uống liền 5 – 7 thang.

4. Chữa xuất huyết dạ dày (nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen như bã cafê):

Bài thuốc:

–  Hoa Gạo                                        30g
–  Ngẫu tiết (ngó Sen)                      12g
–  Nghệ vàng                                     12g
–  Tam thất                                          6g
–  Thịt lợn nạc                                   20g
–  Đậu xanh                                       10g

Cách làm: Hoa gạo tươi và Ngó sen rửa sạch, thái nhỏ; Thịt lợn thái miếng. Tam thất ngâm nước cho mềm, thái nhỏ; Nghệ vàng thái nhỏ, đậu xanh xay vỡ đôi, nêm gia vị vừa đủ, tất cả cho vào nồi đất hoặc nồi inox (không nấu nồi nhôm hay nồi đồng) nấu thành súp, ăn trước bữa ăn chính. Có thể cho thêm gạo nấu cháo ăn thay cơm. Ngày ăn 1 lần. Ăn liên tục 3 – 5 ngày.

5. Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng

Bài thuốc:

–  Hoa Gạo (khô)                              30g
–  Nghệ vàng                                    12g
–  Tam thất                                         6g
–  Dạ cẩm                                          12g
–  Chè dây                                         10g
– Cam thảo                                          8g

Cách làm: Tất cả làm thành 1 thang, sắc với 4 bát nước, đun còn 1,5 bát, chia uống nhiều lần trong ngày. Uống liên tục 7 – 10 ngày liền.

6. Chữa Viêm mào tinh hoàn

Tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn sưng to, mọng nước, đau nhức khó chịu, sinh hoạt khó khăn, có thể sốt nhẹ…

Bài thuốc:

– Vỏ cây gạo                                       50g
– Thịt lợn ba chỉ                                  40g
– Đậu xanh                                        10g
– Gia vị (hành, muối…)                      vừa đủ

Cách làm: Vỏ gạo cạo bỏ vỏ ngoai và gai, rửa sạch, giã nát; thịt lơn thái vừa ăn, Đậu xanh xay vỡ đôi, gia vị vừa đủ, tất cả cho vào nồi đất hoặc nồi inox (không nấu nồi nhôm hay nồi đồng) nấu thành súp, ăn trước bữa ăn chính. Có thể cho thêm gạo nấu cháo ăn thay cơm. Ngày ăn 1 lần. Ăn liên tục 3 – 5 ngày liền. Thường chỉ ăn 3 ngày là khỏi.

Chú ý: Mặc quần lót vừa khít, không quá chật, không quá rộng. Tránh mang vác nặng hoặc đi lại hay làm gì mạnh, trong 1 tuần.

7. Chữa Bong gân

a. Uống trong

–   Vỏ cây gạo (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu)         30g,
–   Cây Lá lốt (toàn cây sao vàng)                       12g,
–   Thổ phục linh                                                    16g,
–    Cam thảo                                                           8g.

Tất cả làm 1 thang, cho thêm 5 lát gừng tươi, sắc với 4 bát nước, đun còn 1,5 bát, chia uống 2 lần trong ngày.

b. Đắp ngoài:

Vỏ cây Gạo, lá Cúc tần, lá Vòi voi, toàn cây Bòng bong, lá Bồ công anh (tất cả đều tươi), năm thứ lượng bằng nhau (khoảng 40g), rửa sạch, sao qua với rượu và nước tiểu trẻ em (đồng tiện), sau đó giã nát, bó vào nơi tổn thương. Ngày thay thuốc 1 lần.

8. Chữa Gãy xương:

Sau khi nắn chỉnh ổ gãy, dùng:

–  Vỏ rễ cây gạo rửa sạch (tươi)                  50g
–  Cây Bòng bong tươi                                   30g
–  Muối ăn                                                         5g

Các thứ rửa sạch, giã nát, bó vào vị trí gãy xương, dùng nẹp tre nẹp lại cho chắc, rồi kiểm tra lại bằng X quang xem có bị di lệch không. 2 ngày thay thuốc 1 lần.

9. Chữa viêm nhiễm cấp đường tiêu hóa

Viêm Dạ dày – Tá tràng, viêm Ruột, Lỵ trực khuẩn, tiêu chảy hoặc đại tiện ra máu mũi…

Bài thuốc:

– Hoa gạo (khô)                                              30g
– Lá và rễ cây Chó đẻ (cây Cộng sản)        20g
– Lá cây Phèn đen                                         10g
– Cỏ sữa nhỏ lá                                              10g
– Thổ phục linh                                              10g
– Đậu đen                                                       20g
– Gạo rang                                                      20g
– Cam thảo                                                       8g

Cách làm: Nếu các thứ trên tươi thì sao vàng (liều lượng trên là tính khi đã khô). Tất cả làm thành 1 thang, sắc với 4 bát nước, đun còn 1,5 bát, chia uống nhiều lần trong ngày. Uống liên tục 3 – 5 ngày liền. Nếu chưa khỏi uống thêm vài thang cho đến khi khỏi. Thuốc không độc, có thể uống kéo dài.

10. Chữa sưng đau vú, tắc tia sữa sau khi sinh

a. Uống trong:

– Hạt cây gạo (sao)                            10g
– Cây Bồ công anh (khô)                    16g
– Kim ngân hoa                                    10g
– Tạo giác thích (gai bồ kết)            10g
– Liên kiều                                               8g
– Cam thảo                                              8g

Tất cả làm 1 thang, cho thêm 5 lát gừng tươi, sắc với 4 bát nước, đun còn 2 bát, chia uống 2 lần trong ngày, sáng và chiều.

b. Đắp ngoài:

Bồ công anh tươi 50g, cho thêm mấy hạt muối, giã nát, bọc vào miếng gạc, đắp lên nơi vú bị sưng đau. Ngày thay thuốc 2 lần.

11. Chữa viêm khớp, đau đầu gối mạn tính, đau lưng mạn tính

a. Uống trong:

– Vỏ rễ cây gạo                                   30g
– Hy thiêm                                           12g
– Thổ phục linh                                    10g
– Cây Lá lốt (toàn cây)                   10g
– Ngưu tất                                             12g
– Cây Đau xương                                  10g
– Cam thảo                                             8g

Tất cả làm thành 1 thang, cho thêm 5 lát gừng tươi, sắc với 4 bát nước, đun còn 2 bát, chia uống 2 lần trong ngày, sáng và chiều. Có thể pha thêm một chút rượu trắng để “dẫn” thuốc. Uống liền 7 – 10 thang.

b. Dùng ngoài:

– Vỏ cây Gạo  (giã nát)                       50g
– Lá cây Cúc tần                                 30g
– Cây Lá lốt (toàn cây)                   30g
– Ngải cứu                                           30g
– Lá cây Đại bi                                    30g

Tất cả đều dùng tươi. Cho 5 thứ trên vào trong nồi, đun sôi 15 phút, chắt nước ra, cho vào chậu để ngâm chân. Ngâm ít nhất 30 phút. Nếu đau lưng, các thứ thuốc trên sao lên với rượu và nước tiểu trẻ em, khi nào thuốc héo thì cho ra, đặt mấy tàu lá chuối tươi xuống dưới, đổ thuốc đã sao lên trên, trên cùng để miếng gạc, nằm ngửa để thuốc vào đúng chỗ lưng đau. Khi nào thuốc nguội thì thôi. Ngày làm thuốc 1 lần.

12. Chữa tiểu tiện không thông, đái buốt, đái dắt

– Hoa cây gạo                                     30g
– Kim tiền thảo                                   12g
– Bông mã đề                                      10g
– Hạ khô thảo                                     10g
– Hoạt thạch                                       12g
– Cam thảo                                           8g

Tất cả làm thành 1 thang, sắc với 5 bát nước, đun còn 2 bát, chia uống nhiều lần trong ngày, thay nước chè.

13. Chữa chấn thương, đụng giập, sưng nề

– Vỏ cây gạo                                       50g
– Nghệ vàng                                        20g
– Hạt gấc                                             20g
– Lá Náng                                            10g

Tất cả giã nát với một nhúm muối và một thìa con rượu trắng, sao nóng, đặt một miếng gạc lên nơi tổn thương, đắp thuốc lên, băng lại. 24 giờ thay thuốc một lần.

14. Chữa ngứa vùng hậu môn, sinh dục

– Vỏ cây Gạo                                       50g
– Lá Bạch đồng nữ (Mò trắng)          20g
– Diệp hạ châu (Chó đẻ răng cưa)   20g
– Xà sàng tử                                       15g
– Muối                                                   5g

5 thứ trên sao khô, cho thêm muối vào, sắc lấy nước, ngâm rửa nơi bị bệnh.

15. Chữa trĩ  

– Hoa gạo                                            30g
– Nghệ vàng                                        20g
– Hòe hoa                                            20g
– Xà sang tử                                        10g
– Rễ cây Dương xỉ                               10g

Tất cả làm thành 1 thang, sắc với 800ml nước, đun còn 150ml, chắt ra, chia uống 2 lần trong ngày, sáng và chiều. Nếu có đi ngoài ra máu thêm: Cỏ Nhọ nồi (Hạn liên thảo) 10g.

16. Chữa mụn nhọt sưng tấy

a. Uống trong:

– Vỏ cây Gạo                                      30g
– Kim ngân hoa                                  12g
– Liên kiều                                           10g
– Ké đầu ngựa                                   10g
– Sài đất                                              12g
– Sâm đại hành                                  10g
– Huyền sâm                                     16g
– Cam thảo                                          8g

Tất cả làm thành 1 thang, cho thêm 5 lát gừng tươi, sắc với 4 bát nước, đun còn 2 bát, chia uống 2 lần trong ngày, sáng và chiều. Uống liền 3 – 5 thang.

b. Dùng ngoài:

– Hoa Gạo                                           25g
– Lá cây Vòi voi                                 15g
– Muối                                                  3g

Tất cả giã nát, cho vào miếng gạc, đắp vào nơi có mụn nhọt đang sưng tấy. Ngày đắp 1 – 2 lần, sẽ giảm hoặc hết đau nhức. Nếu nhọt mới sưng sẽ tự tan. Nếu sắp làm mủ nhọt sẽ tự vỡ, ra cả “ngòi”, không đau, rất nhanh khỏi.

17. Chữa thiếu sữa

– Hạt cây Gạo                                     15g
– Mạch môn                                        12g
– Diệp hạ châu                                    10g
– Mộc thông                                          6g
– Cam thảo                                            6g

Tất cả làm thành 1 thang, sắc với 600ml nước, đun còn 150ml, chắt ra, chia uống 2 lần trong ngày, sáng và chiều. Đồng thời ăn cháo Móng giò lợn với lá Sung có tật và Đu đủ xanh.

18. Chữa Rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, thiếu máu

– Hoa Gạo                                       30g
– Ngải cứu                                      12g
– Ích mẫu                                        10g
– Nga truật                                     10g
– Bạch đồng nữ                              10g
– Đương quy                                   12g
– Thục địa                                        15g
– Đảng sâm                                     20g
– Cam thảo                                        8g

Tất cả làm thành 1 thang, sắc với 800ml nước, đun còn 200ml, chắt ra, chia uống 2 lần trong ngày, sáng và chiều./.

Logo của Đông dược Phú Hà được lấy cảm hứng từ hoa gạo, một vị thuốc nhiều tác dụng quý nhưng cũng rất bình dị và phổ thông.

Logo Đông dược Phú Hà

Logo Đông dược Phú Hà

COMMENTS